Những ngày xuân, nếu như đã ớn ngấy với thịt cá, nem chả thì mời bạn hãy thử món bún nước – giản dị mà độc đáo của người phố núi. Ấn tượng từ món ăn độc đáo này chính là vị ngọt thanh của nước dùng, bún tươi, , vì cay của muối ớt hột được giã nhuyễn và vị ngọt của nước trụng bún tươi. Món ăn dân dã, thanh tao làm ấm lòng người, rất thích hợp cho những sáng sớm trời se lạnh.
Bún nước Kon Tum
Bún nước – giản dị như cái tên gọi, nó không có cái vị thơm lừng cuốn hút của Bún chả Hà Nội, không phải là một tô to béo ngậy như bún bò Huế, cũng chẳng mang dáng dấp đậm đà của bún mắm Nam Bộ. Bún nước Kon Tum có nguồn gốc từ bún tôm Bình Định, có lẽ trong quá trình khai khẩn vùng đất Bắc Tây Nguyên, người dân đất võ đã mang theo món ăn độc đáo của mình, nhưng được cải biến đi, cho phù hợp với khẩu vị và nguồn nguyên liệu tại phố núi. Nhiều người mới ăn lần đầu chưa thấy thích thú với món bún này bởi nước dùng làm từ nước trụng bún, có vị hơi ngang ngang, không ngọt béo, đậm đà như nước dùng của các loại bún giò, bún bò, bún riêu,…Nhưng điều đó lại tạo nên hương vị rất riêng, vị ngọt thanh tạo nên vẻ dung dị, hiền lành, một “nét cái duyên ngầm” của bún nước khiến nhiều người “kết thân” lúc nào không hay. Bún nước Kon Tum mang dáng vẻ rất riêng, cuốn hút người ăn bằng sự độc đáo, vị ngọt thanh trong từng sợi bún tươi mới ra lò, từ nước dùng trắng trong nhẹ nhàng, từ chút tôm, chút thịt bằm gia giảm vừa chừng. Nhất là vào những lúc đi một quãng đường xa về hoặc khi trong người cảm thấy mệt mỏi, khó ăn uống, thì một tô bún nước thanh đạm sẽ dễ khiến bạn dễ chịu hơn, thêm chút tía tô để giải cảm nữa.
Điểm đặc biệt đầu tiên mà người ăn có thể nhận ra chính là bún nước sử dụng bún tươi, vừa mới ra lò còn nóng hôi hổi, chứ không phải loại bún chế biến hàng loạt, được mua về sẵn. Gần đây, thông tin về bún tẩm hóa chất cho trắng tinh, dai và để lâu tràn lan trên thị trường khiến nhiều người lo ngại. Đến thưởng thức món bún nước, bạn sẽ được chứng kiến được quy trình làm bún ngay khi bước vào quán, do đó yên tâm hơn với chất lượng bữa ăn sáng của mình. Người bán phải chọn loại gạo ngon, ngâm theo thời gian nhất định sao cho gạo mềm vừa độ, khi xay ra thành bột vừa trắng, vừa mịn dẻo. Mỗi tiệm bún nước có một chiếc máy làm bún riêng, dọn hàng ra rồi chủ quán mới bắt đầu đổ bột gạo vào, bột được ép thành cọng bún, thả xuống nồi nước đang sôi phía dưới, đợi cho cọng bún gạo từ màu trắng đục chuyển sang màu trắng trong là chín. Họ dùng rá vớt bún, xóc sơ qua trong nước nguội, sợi bún rất nhỏ, mềm và trong vắt, còn nguyên hương vị tươi mới.
Máy làm bún được đặt ngay ngắn ở góc quán
Bún nước không thể thiếu chút tôm giã nhỏ, nhất định phải dùng tôm tươi rói, còn búng tanh tách mới tạo được vị ngọt tự nhiên, hấp dẫn. Tôm rửa sạch, cắt bỏ đầu, đuôi, ướp gia vị cùng với ít hành tím, đặp vào hỗn hợp mấy quả trứng gà, rồi cho vào cối đá quyết nhuyễn, đến lúc thịt tôm sánh mịn như bột, kéo dai là được. Vị nước bún thanh ngọt nhẹ nhàng hơi ngang chứ không ngọt đậm đà cảu xương ống, của thịt cá. Khi có khách đến, tô bún được chuẩn bị rất nhanh chóng, múc một muỗng thịt tôm đã giã nhuyễn cho vào bát, sắp vào mấy con tôm đã được bóc vỏ, thêm mấy lát thị bò bằm nhỏ, rồi múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát quậy đều lên, rắc mấy cọng hành ngò, giá tươi, chút bột tiêu. Chủ quán khéo léo xếp thêm một đĩa bùn tươi còn nóng hổi, bưng ra cùng với tô nước. Khi ăn, tùy theo khẩu vị của khách mà vắt chanh tươi, thêm muối ớt cho đậm đà, bỏ mấy cọng tía tô tím, rồi cứ thế gắp bún nhúng vào ăn.Nhìn vào tô bún nước bốc khói nghi ngút, tuyệt nhiên người ta không thấy cái vàng màu mỡ, béo ngậy của nước dùng mà chỉ thấy màu trắng đục điểm cọng hành xanh mát rất nhẹ nhàng. Tô bún nước ngon vừa có cái vị ngọt thanh của tôm tươi quyết nhuyễn, của bún tươi nóng hổi, mùi thơm đặc trưng của lá tía tô, vị cay xè của ớt xanh, vị chua chua của chanh, tất cả tạo nên một mùi vị rất riêng. Nhấn nhá thưởng thức từng sợi bún tươi dai dai, mềm, còn nguyên độ ngọt của gạo, cùng với từng miếng tôm đã bóc vỏ ngon lành. Thiết nghĩ không có loại bún nào đảm bảo được sự nguyên chất, tươi ngon như bún nước Kon Tum.
Ăn bún nước Kon Tum ngon nhất là vào những sáng sớm trời còn se lạnh, sương mù giăng kín phố phường mới, ngồi đợi người bán làm bún tươi, rồi xuýt xoa vì cay mới thấy được cái ngon độc đáo.Nhiều người mới ăn lần đầu chưa thấy thích, nhưng ăn vài lần thì nghiện lúc nào không hay. Nghiện từ màu trắng đục nhẹ nhàng của nước bún, từ mùi hành thơm ngát và nghiện luôn cả thú vui ngồi nhìn người bán hàng làm bún tươi ngay trước mặt mình.
Leave a Reply