Thịt nướng ống lồ ô

Thịt nướng ống lồ ô

Với những nguyên liệu vốn có từ núi rừng, người dân tộc Ba Na ở Kon Tum chế biến thành những món ăn nướng trong ống lô ô rất độc và lạ như Thịt nướng ống lồ ô, rau luộc ống lồ ô, cá nướng ống lồ ô.

Sau khi rửa sạch các loại rau, cá sông, cá suối và các loại thịt gia súc, gia cầm băm nhỏ hoặc xắt thành sợi. Cà đắng, cà tím được xắt thành miếng. Cá mổ bỏ ruột, cắt thịt ra trộn rau rừng, măng rừng, sả, tiêu giã nhỏ cho vào ống lô ô.

Còn thịt gia súc (trâu, bò, heo, dê) và gia cầm (gà, vịt) được thui trên bếp lửa rồi mới cạo hay vặt lông. Sau đó xẻ thịt, chặt từng khúc nhỏ, trộn gia vị cho vào ống lô ô để lên lửa than cây rừng nướng cho đến chín thơm phức hương vị độc đáo mà không có nơi nào có được.

Thịt nướng ống lồ ô – Món ngon Kon Tum không thể bỏ qua

Quá trình lao động sản xuất trên nương rẫy, đồng bào Tây Nguyên thường dùng ống tre, lồ ô, nứa thay nồi. Vì vậy, không chỉ có nấu cơm trong ống mà thịt, cá, rau hay món canh cũng nấu trong các loại ống này.

Đây là cách nấu truyền thống từ xưa và phổ biến của nhiều dân tộc thiểu số sống dọc dãy Trường Sơn – Tây Nguyên như Cơ Tu, Gia Rai, Ê đê, M’nông, Mạ, Bru – Vân Kiều… Người Ba Na trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hai cách nướng thịt quen thuộc. Một là xiên vào que nướng trực tiếp trên than hồng; hai là nướng thịt trong ống tre. Mỗi cách nấu đều có ưu điểm riêng và tạo nên hương vị thơm ngon, độc đáo.

Món thịt nướng ống tre thơm ngon khi ăn cùng cơm lam

Trong văn hóa ẩm thực của người Ba Na, mỗi món ăn dù đơn giản hay cầu kỳ đều mang hương vị của núi rừng. Món thịt nướng ống tre cũng vậy. Với sự đa dạng, phổ biến của các loại thịt heo ngày nay, người Ba Na có thể thuận tiện để chế biến món thịt nướng ống tre. Tuy nhiên, loại thịt ngon nhất, đúng hương vị truyền thống của món ăn vẫn là thịt heo rừng. Gia vị thường dùng gồm muối hạt, ớt rừng, sả, tiêu rừng và một số loại rau thơm được hái trên rừng. Thịt heo được thái lát mỏng, vừa ăn. Các loại gia vị giã nhuyễn, tẩm ướp vào thịt một khoảng thời gian trước khi cho vào ống tre.

Khi chế biến món ăn, người Ba Na chú trọng giữ mùi vị ngon ngọt của thịt heo. Cũng chính vì thế, các loại gia vị không được dùng quá nhiều và chủ yếu để tăng mùi thơm, vị cay kích thích vị giác. Mặc dù món ăn không quá cầu kỳ nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhanh nhạy nơi người nấu. Chọn dụng cụ nấu phải là ống tre không quá già hoặc quá non. Khi nướng trên than hồng, nếu ống tre già sẽ dễ cháy, còn tre non lại dễ bị nứt.

Sau khi tẩm ướp, thịt heo rừng đã thấm các loại gia vị được nhồi vào các ống tre. Nhồi thịt không được quá chặt để tránh khi chín làm bể ống tre. Người Ba Na thường dùng lá chuối non hoặc lá dứa làm nút bịt miệng ống để giữ hơi và tăng thêm hương thơm khi nướng. Công đoạn nướng thịt rất quan trọng. Ống tre được đặt trên than hồng, người nướng liên tục lật trở ống, tránh bị cháy và thịt chín không đều. Quan sát vỏ ống tre bên ngoài chuyển màu vàng cháy xém, hương thơm mùi thịt chín lan tỏa là có thể thưởng thức món ăn.

Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh dùng cách nấu trong ống tre tạo ra nhiều món ăn ngon như cơm lam, canh thụt, thịt nướng…

Gọi là nướng nhưng nếu không được nhìn tận mắt quá trình chế biến, sẽ nhầm tưởng đây là món hấp. Vì sau khi nướng, thịt heo rất mềm lại giữ được vị ngọt chẳng khác nào món hấp vậy. Cách nấu trong ống tre giúp hương thơm của thịt và gia vị không bị bay đi mà thấm trở lại thịt. Miếng thịt chín không bị bén mùi khói, tro than, không quá khô vì mất nước.

Khi gỡ nút bịt đầu ống ra, làn khói nóng kèm hương thơm của món ăn thoảng vào mũi kích thích người xung quanh. Món thịt heo nướng ống tre ngon hơn khi ăn cùng cơm lam và thưởng thức rượu cần. Những ngày mưa lạnh, món thịt nướng ống tre nóng hổi như là món thuốc bồi bổ, tăng nhiệt cho cơ thể rất hiệu quả của người Ba Na.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *