canh boi

Canh bồi

Đến với người Ba Na thưởng thức đặc sản “canh Bồi gạo trắng, lá xanh” với nét văn hóa ẩm thực mang đậm truyền thống, thơm ngon, bổ dưỡng đến nức lòng thực khách.

Canh Bồi là một món ăn có thể được gọi là cháo đặc, có thể là canh. Ít ai biết rằng, món ăn này tuy đạm bạc lại giàu chất dinh dưỡng của người miền cao. Đơn giản chỉ từng mớ rau, hạt gạo qua đôi bàn tay khéo léo của người Ba Na nói riêng, trong đời sống cộng đồng của các dân tộc anh em Nam Trường Sơn- Tây Nguyên nói chung đều mang nét đẹp đặc trưng riêng mình. Văn hóa ẩm thực là yếu tố phát triển du lịch. Canh Bồi có thể thương hiệu hóa thành thực phẩm sạch, sản phẩm xanh phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng.

Người đồng bào dân tộc có nhiều món canh nấu với bột gạo như canh bột gạo tro chuối, canh bột gạo ủ lên men, canh bột gạo lá bép…

Món canh bột gạo lá bép còn được gọi chung là canh bồi. Đây là món ăn truyền thống của người đồng bào được chế biến từ các nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên. Bát canh nóng hổi ngọt ngọt, đắng đắng mang đúng khẩu vị của người M’nông.

Lá bép non dùng nấu canh bồi

Để làm được món canh bồi “chuẩn vị Bana”, người đồng bào phải chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu cần thiết và có bí quyết nấu. Nguyên liệu chính để chế biến món canh bồi truyền thống có sẵn trong tự nhiên, bao gồm lá bép, gạo, đọt mây, thịt hoặc cá. Người đồng bào xem đây là những sản vật quý mà núi rừng ban tặng cho họ từ bao đời.

Cũng như món canh thụt truyền thống, canh bồi không thể thiếu được lá bép (rau nhíp) được hái từ trong rừng. Nhiều người còn ưa dùng lá bồ ngót rừng để thay thế lá bép già. Lá bép non có màu đỏ phớt, dưới cuống lá màu xanh thường ưa dùng hơn cả. Khi nấu chín lá có vị dẻo, ngọt và bùi.

Phụ nữ đồng bào giã gạo thành bột làm nguyên liệu nấu canh bồi. Trước tiên, họ đem gạo ngâm trong nước từ 30 phút đến 2 giờ. Khi gạo mềm vớt ra để ráo nước, cho vào cối giã nhuyễn cùng một ít lá bép già hoặc lá bồ ngót rừng.

Gạo được giã nhuyễn thành bột

Theo thói quen, ngày nay các bà, các mẹ trong các bon làng vẫn giữ trong gian bếp chiếc cối chày giã gạo. Với họ, canh bồi là món ăn truyền thống trong đời sống hàng ngày. Cũng chính vì vậy, bột gạo phải tự tay giã thì nấu canh mới nhuyễn đều, có vị thơm ngọt.

Khâu đổ bột gạo vào nồi rất quan trọng, tạo độ sánh cho món canh

Canh bồi ngon cần có thêm đọt mây. Đọt mây sau khi tách vỏ chọn lấy đoạn non, cắt dọc từng lát nhỏ vừa ăn. Khi có đủ các nguyên liệu chính, phụ nữ M’nông nhóm lửa nấu một nồi nước thật sôi. Sau đó cho đọt mây và lá bép non vào nồi. Đợi hai nguyên liệu này vừa chín tới mới thêm cá đã bỏ xương hoặc thịt heo.

Món canh bồi đặc trưng của người đồng bào

Lúc các nguyên liệu trong nồi chín tới, người nấu thêm nước bột gạo đã hòa đều trước đó vào. Để nồi canh chín đều và không bị vón cục đòi hỏi người nấu phải chú ý điều chỉnh lửa vừa phải và liên tục khuấy đều tay khi đổ bột gạo, đồng thời nêm gia vị. Nấu tựa như cháo vậy nhưng canh ngon phải mang đặc điểm không đặc quá hay loãng quá, hơi sánh đặc.

Canh bồi, canh thụt, thịt nướng, cơm lam… tạo nên mâm cơm độc đáo của người đồng bào

Canh bồi phổ biến và thường được nấu trong ẩm thực đời thường hơn so với một số loại canh bột gạo khác. Hầu như người đồng bào nào cũng biết chế biến và xem đây là món ăn khoái khẩu, là đặc sản của dân tộc mình.

Canh bồi có thể dùng ăn với cơm hoặc thưởng thức như một món súp. Canh có vị ngậy của thịt, cá, vị ngọt của bột gạo, đăng đắng của đọt mây, sự thơm bùi của lá bép hòa quyện vào nhau.

Mang tính mát, dễ tiêu hóa nên trẻ nhỏ hay người già trong bon làng đều thích món canh bồi hấp dẫn này. Sau những lúc làm lụng nặng nhọc trên nương rẫy, người đồng bào chỉ cần ăn bát canh bồi bổ dưỡng giúp hồi phục sức khỏe…

Canh Bồi ngon nhất là canh có màu xanh tự nhiên. Những người sành ăn, nếm qua là biết tay nghề nấu “non” hay “già”. Người nấu có kinh nghiệm mới biết dùng lá bồ ngót giã, lược lấy nước để tăng độ ngọt. Lá xanh thì giã và dùng cả nước và xác lá. Khi nước đun lên gần 100 độ C mới cho các loại rau vào. Trình tự làm món ăn này là: Đun nước bồ ngót sôi, sau đó bỏ lá sắn đã giã sẵn vào nấu cho đến khi chín dần thì cho các nguyên liệu vào như: ốc suối, trứng kiến vàng, bí đỏ, cà nút, mít non, măng rừng, mướp,..Các nguyên liệu sắp chín sẽ đỗ gạo giã với lá xanh được khuấy đánh nhuyễn. Tiếp tục để lửa nhỏ cho nồi canh chín, sau đó bỏ các gia vị khác như: Lá é, muối hạt, ớt non vào.

Canh Bồi hội tụ tinh hoa, dưỡng chất của đất trời. Qua bàn tay thuần thục của người nấu, không đơn thuần là ăn để sống, để no. Trong đời sống của đồng bào miền núi còn khó khăn, món ăn này giúp bà con cải thiện bữa ăn nghèo chất dinh dưỡng trở nên dồi dào, tiết kiệm chi phí.

Nếu như đặt giả thiết đề xuất đưa sản phẩm canh Bồi vào danh sách thực đơn tại các nhà hàng, dịch vụ phục vụ du lịch thì với đặc tính, công dụng, hàm lượng dinh dưỡng của nó, có thể là món ưa thích.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *