Canh thụt

Nguyên liệu chính để chế biến món canh thụt truyền thống có sẵn trong tự nhiên, bao gồm: lá bép (hay còn gọi là lá nhíp), đọt mây, cà đắng, ớt xiêm rừng, cá suối hoặc thịt động vật. Người đồng bào xem đây là những sản vật quý mà núi rừng ban tặng cho họ từ bao đời.

Trước khi nấu bà con chặt một ống lồ ô có lóng dài, gọt đẽo phần đầu ống cho khéo, sao cho nấu canh thụt nước không bị chảy ra ngoài.

Việc chọn ống lồ ô là một bí quyết, nếu chọn cây già quá sẽ bị nứt, hoặc cây non thì canh sẽ không ngon… sau khi chế biến những nguyên liệu trên, bà con cho tất cả vào ống lồ ô và dựng ống nghiên trên đống lửa.

Trong lúc nấu, một mặt vừa quay tròn ống cho thật đều lửa và dùng một chiếc đũa để thụt cho các thành phần của món canh nhuyễn và đều với nhau, động tác thụt ống còn khiến cho hơi thoát ra ngoài.

Món canh có ngon hay không phụ thuộc nhiều vào hai việc trên. Có lẽ chính động tác này mà món canh có tên gọi như vậy. Thường thì ống canh thụt chỉ dài độ nửa mét trở lại.

Trong các dịp lễ hội cần nhiều thì bà con nấu làm nhiều ống. Thời gian để canh chín thời gian khoảng từ 60 – 90 phút.

Sau khi canh chín bà con cho ra bát hoặc lá chuối cũng được vì món canh thụt khi chín sẽ đặc lại và rất dẻo, khi ăn món canh này có rất nhiều vị đắng, cay, bùi, béo…

Khác với cách nấu canh bồi (một món ăn truyền thống của người đồng bào), nguyên liệu thường là lá bép già, nhưng canh thụt thì dùng lá bép non, không quá già để nấu. Lá bép non sau ngày mưa rất sạch, không cần rửa qua nước để chế biến mới giữ được hương vị đặc trưng. Đọt mây sau khi lấy từ rừng về thì bóc tách vỏ, chỉ lấy phần đọt non phía trên.

Cà đắng rừng là loại quả nhỏ, vị ngọt, khác hơn so với loại to, màu xanh đậm, sọc trắng, có vị đắng mà người M’nông, Ê đê hay chế biến món “cà đắng cá khô”. Loại cà đắng này đã được người M’nông “thuần hóa”, trồng nhiều trong vườn nhà. Ớt xiêm xanh quả nhỏ, có vị cay và thơm rất được ưa chuộng là loại gia vị đặc biệt, không thể thiếu của món canh thụt.

Cá suối

Một nguyên liệu không thể thiếu của canh thụt là cá hoặc thịt động vật. Các loại cá nhỏ thường bắt được nơi khe suối, được làm sạch, sơ chế, nướng qua than hồng làm giảm đi mùi tanh. Khi nấu món canh thụt, các loại cá nhỏ này sẽ được cho vào nguyên con, không phải bỏ xương. Người M’nông còn dùng một số nguyên liệu khác để thay thế cá như thịt heo, thịt gà, thịt chim, thịt sóc, da trâu, da bò khô…

Nói chung, nguyên liệu nấu canh thụt như đọt mây, cà đắng hay cá, thịt… được sử dụng nhiều hay ít thì tùy theo sở thích của mỗi gia đình. Một vật dụng không thể thiếu để nấu món ăn này phải kể đến ống lồ ô. Ống lồ ô được chọn lựa kỹ càng, không non cũng không quá già, dài hơn 1m.

Lá bép

Sau khi bếp lửa được nhóm lên, bắt đầu có than, các ống lồ ồ sẽ được để nghiêng trên lửa than để nấu. Khi nấu, lửa không được quá to, ống lồ ô phải được xoay tròn từ từ, liên tục để các nguyên liệu bên trong chín đều, không bị cháy ống. Thời gian nấu thường kéo dài trong khoảng 30 phút. Sau khi nấu chín sẽ cho thêm chút gia vị như muối, bột ngọt…

Ớt xiêm xanh, cà đắng rừng…

Trong quá trình nấu, ống lồ ô sẽ tiết nước ra và hòa vào các nguyên liệu bên trong, làm nên hương vị đặc trưng. Sau khi thức ăn được nấu chín, người nấu sẽ dùng thanh tre vót sẵn thụt tới thụt lui cho đến khi tất cả nguyên liệu thật nhuyễn, quyện vào nhau. Đây cũng là lý do món ăn này có tên gọi là “canh thụt”.

Lúc gia đình sum họp, người M’nông thường dành một ống canh thụt nấu riêng cho người lớn, thanh niên, trong đó ớt xiêm xanh rất nhiều. Lúc ăn với cơm, chỉ cần nếm một ít canh thụt cũng thấy “sướng”, đủ vị ngọt, đắng, bùi, cay… hấp dẫn vị giác của người thưởng thức. Đặc biệt, khi uống rượu cần mà có món ăn này làm mồi nhấm thì rất thú vị trên mâm cơm truyền thống của người M’nông.

Món canh thụt với vị ngọt, bùi, đắng, nhẫn, cay… hài hòa trên mâm cơm truyền thống của người M’nông

Từ xưa đến nay, hầu như người đồng bào nào cũng biết chế biến và xem đây là món ăn “khoái khẩu”, là đặc sản của dân tộc mình. Người M’nông không chỉ nấu canh thụt thưởng thức trong bữa ăn hàng ngày, sum họp gia đình mà còn trân trọng làm lễ vật dâng cúng, không thể thiếu trong ngày lễ, hội truyền thống.

Canh thụt rất phổ biến trong đời sống của đồng bào dân tộc. Canh thụt cũng trở thành món ăn gây “thương nhớ”, ấn tượng khó quên cho thực khách gần xa khi đến với các tỉnh Tây Nguyên và Kon Tum.


Posted

in

by

Comments

One response to “Canh thụt”

  1. […] bồi, canh thụt, thịt nướng, cơm lam… tạo nên mâm cơm độc đáo của người đồng […]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *